Hai sự kiện chính của làng laptop 2011
Sự xuất hiện “ồn ào” của dòng máy tính siêu mỏng nhẹ ultrabook và cuộc khủng hoảng ổ cứng cuối năm là hai sự kiện đáng chú ý nhất năm qua.
Sony Vaio Z hay ThinkPad X1 rất “khủng” nhưng giá bán cũng quá cao.
Năm 2011 chứng kiến sự thay đổi lớn trên thị trường máy tính xách tay khi “bà hoàng” một thời – netbook – gần như đã bị lãng quên khi ultrabook lên ngôi và gây nhiều sự chú ý cho cả giới truyền thông lẫn người tiêu dùng.
Laptop siêu mỏng nhẹ trước nay chỉ được các hãng máy tính định nghĩa cho dòng cao cấp và thường nhắm đến mục tiêu nâng tầm thương hiệu hơn là đạt được những con số thành công về doanh số hay lợi nhuận. Có thể kể đến như dòng Vaio Z của Sony hay Adamo XPS của Dell với giá bán lên tới 50 đến 60 triệu đồng khi ra mắt.
Tất cả chỉ bắt đầu khi MacBook Air được Apple lần đầu tiên thay đổi kiểu dáng vào đầu năm 2010. Với giá bán có thể coi là hợp lý với mức khởi điểm hơn 20 triệu đồng cùng kiểu dáng siêu mỏng nhẹ, MacBook Air đang là dòng sản phẩm máy tính xách tay bán tốt nhất của Apple dù đã trải qua hai lần nâng cấp cấu hình nhưng kiểu dáng giữ nguyên.
Định nghĩa ultrabook có thể coi là câu trả lời rõ ràng nhất cho cuộc chiến mà các hãng sản xuất máy tính khác chống lại MacBook Air. Theo Intel, các mẫu laptop mang tên này sẽ có trọng lượng nhẹ trong khoảng dưới 1,6 kg, mỏng dưới 2,1 cm, khởi động từ chế độ nghỉ gần như tức thì, ổ cứng SSD và quan trọng nhất là giá bán dưới 1.000 USD. Ultrabook không phải là sự khởi đầu cho cuộc chiến máy tính siêu mỏng nhẹ nhưng lại là dấu mốc quan trọng giống như “kim chỉ nam” của Intel dành cho các hãng để đối chọi với sản phẩm của “Quả táo”.
Ultrabook là điểm nhấn quan trọng của thị trường laptop năm nay. Ảnh: Tuấn Hưng.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, Lenovo và Toshiba là hai cái tên đầu tiên gia nhập phân khúc này với mẫu U300s và Portégé Z830 đầu tháng 9 tại triển lãm IFA 2011. Tiếp sau đó là Acer Aspire S3, Asus Zenbook UX21E, UX31E và mới nhất là HP Folio 13. Các sản phẩm này đều có “số đo” để gia nhập làng ultrabook nhưng giá bán thì chỉ suy nhất Acer làm được. Ngoại trừ Aspire có giá xấp xỉ 20 triệu đồng, các model khác đều có giá khá cao tại Việt Nam như UX21E và UX31E có giá 26,4 triệu và 29,2 triệu tương ứng, U300s của Lenovo gần 30 triệu và Portégé Z830 của Toshiba lên tới 32,2 triệu đồng.
Ultrabook ít nhất đã đạt được thành công trên “mặt trận” truyền thông nhưng sự chào đón của người tiêu dùng vẫn cần thêm thời gian để khẳng định. Trong cuộc phỏng vấn với Số Hóa, đại diện của Lenovo và Asus cùng thừa nhận giá bán hiện nay khá cao nhưng hứa hẹn sẽ giảm vào năm sau khi thiết bị bán ra nhiều, giá linh kiện rẻ hơn bù lại chi phí đầu tư ban đầu.
Western Digital là công ty cung cấp HDD lớn nhất thế giới. Ảnh: Digitaltrends.
Công ty sản xuất ổ cứng lớn nhất thế giới Western Digital bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt Thái Lan. Ảnh: Digitaltrends
Trong khi đó, không thể không kể đến cuộc khủng hoảng ổ cứng diễn ra vào cuối năm nay do ảnh hưởng của trận lũ lụt ở Thái Lan. Thảm họa thiên tai này đã làm hầu hết các hãng sản xuất ổ cứng lớn nhất như Western Digital, Toshiba, Seagate và Samsung bị ảnh hưởng sản xuất nghiêm trọng. Việc ngừng sản xuất hàng tháng trời đã khiến nguồn cung thiếu hụt cho các hãng sản xuất máy tính xách tay cũng như ổ cứng di động.
Diễn biến trên thế giới này nhanh chóng ảnh hưởng tới thị trường laptop tại Việt Nam khi giá bán tăng mạnh với mức trung bình lên tới 400.000 đến 500.000 mỗi chiếc. Đây là một diễn biến bất thường do cùng thời điểm này hàng năm laptop lại giảm giá mạnh để thu hút người mua.
Nhận định về thị trường thời gian tới, ông Bùi Minh Hiếu, đại diện Acer Việt Nam đã cho biết để trở lại sự ổn định, nhiều khả năng phải tới tháng 4 năm sau. Trong khi đó, ông Hoàng Tùng, Giám đốc trung tâm sản phẩm và tiếp thị Công ty Digiworld cũng cho rằng thị trường sẽ cần tới 6 tháng kể từ thời điểm hiện tại để trở lại quỹ đạo bình thường. Các nhà máy ở Thái Lan cần phục hồi sản xuất và mất thêm một thời gian nữa từ việc sản xuất trở lại đến khi thành phẩm có giá thành ổn định.
Tuấn Hưng
Nguồn: sohoa